CÁC BÍ TÍCH ĐỂ CHỮA LÀNH

 

BÍ TÍCH THỐNG HỐI VÀ HÒA GIẢI

 

248.“Vào buổi tối hôm ấy, ngày thứ nhất trong tuần”, Chúa Giêsu tỏ mình ra cho các tông đồ. “Người thở hơi trên các vị mà nói: ‘Các con hãy nhận lấy Thánh Linh. Các con tha tội cho ai thì họ được tha; các con cầm tội ai thì họ bị cầm tội’” (Phúc Âm Thánh Gioan 20:19, 22-23). (1485)

 

249.Các tội lỗi vấp phạm sau khi lãnh nhận bí tích Rửa Tội được thứ tha bởi một bí tích đặc biệt gọi là bí tích hoán cải, bí tích giải tội, bí tích thống hối hay bí tích hòa giải. (1486)

 

250.Tội nhân là người làm tổn thương đến vinh dự và tình yêu của Thiên Chúa, đến phẩm giá con người của mình như một người được gọi là con Thiên Chúa, cũng như đến tình trạng an toàn thiêng liêng của Giáo Hội mà mỗi Kitô hữu phải là một viên đá sống. (1487)

 

251.Theo con mắt đức tin thì tội lỗi là sự dữ ghê gớm hơn hết mọi sự dữ và gây tệ hại cho chính tội nhân, cho Giáo Hội và cho toàn thể thế giới. (1488)

 

252.Việc tái hiệp thông với Thiên Chúa sau khi vì tội lỗi bị mất đi mối hiệp thông này là một tiến trình được bắt nguồn từ ân sủng của Thiên Chúa, Đấng giầu lòng từ bi và lo cho phần rỗi con người. Người ta phải xin được tặng ân qúi báu này cho mình cũng như cho những người khác. (1489)

 

253.Hướng động trở về cùng Thiên Chúa, được gọi là việc hoán cải và thống hối, kéo theo lòng đớn đau và chê ghét các tội lỗi đã vấp phạm cùng ý định cương quyết sau này sẽ không phạm tội nữa. Việc hoán cải đụng đến qúa khứ và tương lai; nó được nuôi dưỡng bằng niềm cậy trông vào lòng xót thương của Thiên Chúa. (1490)

 

254.Bí tích Thống Hối bao gồm toàn bộ ba tác động của hối nhân cùng với tác động xá tội của vị linh mục. Các tác động của hối nhân là ăn năn tội, xưng thú tội hay bộc lộ tội mình ra cho vị linh mục hay, và có ý muốn đền tội cùng làm các việc đền tội. (1491)

 

255.Việc ăn năn tội (cũng được gọi là việc hối lỗi) phải được phát xuất từ những thúc đẩy của đức tin. Việc ăn năn tội phát xuất từ tình yêu đức ái đối với Thiên Chúa được gọi là việc ăn năn tội “cách trọn”; ngoài ra, nếu nó phát xuất từ các động lực khác thì được gọi là “cách chẳng trọn”. (1492)

 

256.Người nào muốn thực hiện việc hòa giải với Thiên Chúa cũng như với Giáo Hội phải xưng thú với một vị linh mục tất cả các tội trọng chưa xưng mà người ấy nhớ được sau khi cẩn thận xét lương tâm mình. Việc xưng thú các tội nhẹ, tự nó không cần thiết, song  vẫn được Giáo Hội hết sức khuyến khích làm. (1493)

 

257.Vị giải tội đề ra cho hối nhân làm một số việc “bù đắp” hay “đền tội” để chữa lại thiệt hại do tội lỗi gây ra, cũng như để lấy lại các thói quen xứng hợp với một người môn đệ của Chúa Kitô. (1494)

 

258.Chỉ có những vị linh mục được thẩm quyền Giáo Hội ban năng quyền xá giải mới có thể nhân danh Chúa Kitô mà tha tội. (1495)

 

259.Các hiệu qủa thiêng liêng của bí tích Thống Hối là:

·        hối nhân hòa giải với Thiên Chúa nhờ đó lấy lại được ân sủng;

·        hòa giải với Giáo Hội;

·        được xóa hình phạt đời đời bởi các tội trọng mà ra;

·        được xóa ít là phần nào các hình phạt tạm bởi tội lỗi mà có;

·        được bình an và thanh thản lương tâm cũng như được an ủi thiêng liêng;

·        được tăng thêm sức mạnh thiêng liêng cho cuộc chiến đấu của người Kitô hữu.

 

260.Việc cá nhân chân thành xưng thú các trọng tội để được xá tội vẫn là phương tiện thông thường duy nhất trong việc hòa giải với Thiên Chúa cũng như với Giáo Hội. (1497)

 

261.Nhờ các ân xá, tín hữu có thể được tha hình phạt tạm bởi tội lỗi gây ra, cho chính mình cũng như cho các linh hồn trong Luyện Ngục. (1498

 

BÍ TÍCH XỨC DẦU BỆNH NHÂN

 

262.“Có ai trong anh em bị bệnh ư? Họ hãy đi mời các vị trưởng lão tư tế của Giáo Hội, các vị ấy hãy cầu nguyện cho họ, nhân danh Chúa mà xức dầu cho họ; rồi lời cầu nguyện bởi đức tin sẽ cứu lấy bệnh nhân và Chúa sẽ làm cho họ phục hồi. Nếu có phạm tội lỗi gì họ cũng được thứ tha” (Thư Thánh Giacôbê 5:14-15). (1526)

 

263.Bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân có mục đích ban ơn đặc biệt cho người Kitô hữu đang trải qua những khốn khó vì tình trạng bị bệnh nặng hay vì tuổi già. (1527)

 

264.Thời điểm xứng hợp để lãnh nhận việc xức dầu thánh này thực sự xẩy ra khi người tín hữu bắt đầu nguy tử vì bệnh nạn hay gìa yếu. (1528)

 

265.Mỗi lần Kitô hữu bị bệnh nặng, họ đều được phép lãnh nhận bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân, cũng như ở vào lúc cơn bệnh trở nặng sau khi họ đã lãnh nhận phép này. (1529)

 

266.Chỉ có những vị linh mục (các vị trưởng lão tư tế và các vị giám mục) mới có thể ban bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân; để ban bí tích này, các vị sử dụng dầu đã được giám mục làm phép, hay nếu cần, dầu được chính các vị làm phép. (1530)

 

267.Việc cử hành bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân chính yếu là ở việc xức dầu trên trán và nơi đôi tay của bệnh nhân (theo lễ nghi Rôma), hay nơi các phần thể khác (theo lễ nghi Đông Phương), một việc xức dầu được kèm theo bởi lời cầu nguyện theo phụng vụ của vị cử hành để cầu xin ơn đặc biệt của bí tích này. (1531)

 

268.Ơn đặc biệt của bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân có các tác dụng như:

 

·        nối kết bệnh nhân với cuộc khổ nạn của Chúa Kitô, cho lợi ích riêng họ cũng như lợi ích chung Giáo Hội; 

·        làm cho họ kiên cường, bình an và can đảm để chịu đựng theo tinh thần Kitô giáo những khổ đau của bệnh tật hay của tuổi già; 

·        thứ tha tội lỗi, nếu bệnh nhân không thể lãnh nhận bí tích Thống Hối để được ơn tha tội; 

·        phục hồi sức khỏe, nếu có ích cho phần rỗi của linh hồn; 

·        chuẩn bị linh hồn đi vào sự sống trường sinh. (1532)